Cá mập chứng khoán- Anh là ai

Bài 1: Ai là Cá mập? Cá mập nuốt ai

posted Jun 2, 2010, 2:09 AM by anh nin   [ updated Jun 2, 2010, 2:13 AM ]

Họ được gọi là các “đại gia” chứng khoán hay "cá mập" chứng khoán. Họ được cho là khởi nguồn của những "con sóng lớn" trên TTCK, thao túng giá của nhiều loại cổ phiếu... Vậy thực tế "cá mập"chứng khoán chơi cổ phiếu và thao túng giá cổ phiếu ra sao?
30/11/2009 0:52 
Nhà đầu tư khó biết sóng ngầm phía sau bảng điện tử - ảnh: D.Đ.M


Làm "xiếc" với "ông lớn" SSI

 Theo điều tra của PV Thanh Niên, trong giới đầu tư tại Hà Nội đã hình thành những "đội đại gia" gồm toàn các nhà đầu tư "cá mập" mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Khi dự định làm giá một loại cổ phiếu nào đó, từng "đội đại gia" hợp sức các thành viên cùng đẩy giá lên hoặc đánh xuống với nguồn lực tài chính của cả đội lên tới cả nghìn tỉ đồng (gồm cả đòn bẩy tài chính do công ty chứng khoán cung cấp). Với sức mạnh tài chính cỡ này, họ có thể "làm xiếc" giá bất cứ cổ phiếu nào.

"Phi vụ" làm giá cổ phiếu SSI của CTCP chứng khoán Sài Gòn là một điển hình. Khoảng tháng giữa tháng 3.2009, nhà đầu tư tên T. (tại Hà Nội) và một nhóm nhà đầu tư đại gia khác cùng "lập đội" để đẩy giá SSI. Đây là chuyện rất ít khi xảy ra trước đây bởi SSI là một cổ phiếu có tính đại chúng cao, lượng cổ phiếu lớn nên khả năng thao túng giá là cực khó. Tuy nhiên, trong lần này, T. cùng "đội đại gia" của mình đã thực hiện một cú đẩy giá cũng như thao túng cực kỳ ngoạn mục. Cụ thể, T. và "đội đại gia" mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau. Nếu muốn mua, ngay từ đầu phiên, họ đặt bán sàn với khối lượng lên tới cả trăm nghìn cổ phiếu để kích lệnh bán từ các nhà đầu tư khác. Khi lệnh bán sàn đổ hàng loạt thì từ một tài khoản khác, các nhà đầu tư này lại mua vào. Tình trạng ngược lại xảy ra đối với mục đích muốn bán. Khi kết hợp với nhiều nhà đầu tư khác (giới đầu tư gọi là "đánh hội đồng"), lực mua và bán của các đại gia như T. lên tới con số cả nghìn tỉ đồng và có khả năng thao túng giá trong một vài phiên nếu thị trường đang ở tình trạng tốt.

Với cách này, SSI tăng giá một cách chóng mặt hàng chục phiên liên tục. Giá của SSI tăng một mạch từ 21.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 3.2009 lên 76.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6.2009 và sau này đạt mức đỉnh là 108.000 đồng/cổ phiếu. Cũng kể từ sự kiện "làm xiếc" thành công với một "blue-chip" danh tiếng là SSI, rất nhiều nhà đầu tư cũng như dân môi giới có một cái nhìn hoàn toàn khác về tiềm lực cũng như khả năng của giới đại gia chứng khoán cá nhân trong nước. Theo điều tra của PV Thanh Niên, ngoài trường hợp thành công đặc biệt khi đẩy giá SSI, nhiều trường hợp, cổ phiếu VIC của Công ty Vincom cũng bị các đại gia chứng khoán thao túng giá theo cách làm tương tự.

"Nuốt chửng" cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu mới 

 Không chỉ các cổ phiếu lớn, các cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu mới lên sàn cũng được giới “cá mập”  chứng khoán "phù phép" giá theo ý đồ của mình. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hầu hết các mã cổ phiếu họ Sông Đà đều bị các đại gia chứng khoán làm giá. Các mã như SD2 (tăng một mạch từ 19.000 lên 73.500 đồng/cổ phiếu); SDD (tăng từ 11.000 lên 38.400 đồng/cổ phiếu); S99 (tăng từ 38.000 lên 79.000 đồng/cổ phiếu)... Ngoài cổ phiếu "họ" Sông Đà, một số mã cổ phiếu khác có vốn điều lệ nhỏ cũng bị các đại gia làm giá rất mạnh mà một trong những trường hợp điển hình là CTM của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Vinavico (giá tăng từ 12.000 lên 89.600 đồng/cổ phiếu). Tương tự là cổ phiếu mới lên sàn EFI của CTCP đầu tư tài chính giáo dục, giá lên sàn là 15.000 đồng/CP tăng một mạch lên 45.900 đồng/cổ phiếu.

Một “cá mập” trong giới đại gia chứng khoán cho biết, khi thực hiện làm giá các cổ phiếu này, các đại gia chứng khoán phải phân tích rất rõ cơ cấu sở hữu của các công ty mới niêm yết. Thứ nhất, vốn điều lệ của các công ty này chủ yếu là dưới 50 tỉ đồng. Thứ hai, trong cơ cấu sở hữu của công ty thì hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát... - những người không được bán trong vòng 6 tháng kể từ khi niêm yết, phải chiếm khoảng hơn 50% tổng số cổ phiếu niêm yết. Thứ ba, công ty có những yếu tố có thể tung ra các tin đồn hoặc cụm thông tin giúp đẩy giá được. Đây là lý do các đại gia thường chọn các cổ phiếu bất động sản để thực hiện làm giá.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một môi giới chuyên phục vụ khách VIP của một công ty chứng khoán ở Hà Nội tiết lộ: "Với việc những cổ đông không được bán chiếm tới hơn 50%, thì số cổ phiếu đang lưu hành thực tế trên thị trường chỉ khoảng 20-30%. Lý do là những người thân, người quen của hội đồng quản trị các công ty này thường đứng tên sở hữu khoảng hơn 20% tổng số lượng cổ phiếu. Chính vì thế, chỉ cần thâu tóm khoảng 1-2 triệu cổ phiếu (tùy từng công ty) là có thể thao túng tùy thích giá của loại cổ phiếu đó".

 Do các "đội đại gia" này "làm giá" khá thành công với nhiều mã cổ phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7.2009 nên thời gian sau đó, việc "làm giá" trở nên dễ dàng hơn. Chủ tịch HĐQT của một công ty chứng khoán tại Hà Nội tiết lộ: "Trước đây, nhiều nhà đầu tư trong nước "đánh" chứng khoán theo nhà đầu tư nước ngoài. Giờ thì tình hình đã thay đổi, rất nhiều nhà đầu tư trong nước chuyển hướng "đánh" chứng khoán ăn theo đại gia nội địa".



Bài 2: "Quyền lực đen"

posted Jun 2, 2010, 2:09 AM by anh nin   [ updated Jun 2, 2010, 2:20 AM ]

"Siêu đại gia" từ đòn bẩy tài chính

Một "cá mập" đất Hà thành cho biết, số lượng các đại gia chứng khoán có tiền mặt lên tới trăm tỉ đồng rất ít. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ lại có quyền mua bán cổ phiếu với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng là nhờ đòn bẩy tài chính. Theo nhà đầu tư (NĐT) này, tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK), khi thị trường đang tăng điểm, mức độ đòn bẩy phổ biến đối với khách VIP là 70% (có 3 đồng tiền mặt được mua 7 đồng chứng khoán). Tại một số CTCK có nguồn tài chính dồi dào (đặc biệt là một vài CTCK ngân hàng), mức độ đòn bẩy đối với khách VIP có thể lên tới 80% (có 2 đồng tiền mặt được mua tới 8 đồng chứng khoán), thậm chí lên tới 90% (có 1 đồng được mua tới 9 đồng). "Đòn bẩy tài chính mới là nhân tố tạo ra các "siêu đại gia" chứ tiền mặt không thì không thể", NĐT nói trên khẳng định.


Một CTCK lớn với lượng khách VIP rất dồi dào từng tuyên bố tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch để đảm bảo sự công bằng giữa các NĐT như không cho bán T+1, T+2, T+3. Tuy nhiên, sau khi thị phần bị sụt giảm thê thảm, nhiều khách VIP bỏ sang các CTCK có chính sách "cởi mở" hơn, công ty này cũng đã thay đổi và cho phép khách VIP bán T+ để cạnh tranh. Phó tổng giám đốc một CTCK có trụ sở chính tại TP.HCM kết luận, tuân thủ quy định trong giao dịch chứng khoán thì: "Làm thật ăn cháo, láo nháo mới có cơm".

Còn phó tổng giám đốc một CTCK lớn có trụ sở tại Hà Nội thì nói: "Nếu muốn kéo khách VIP mà lại cứ khư khư ôm việc tuân thủ quy định và triết lý công bằng giữa các NĐT thì chẳng khác nào... chờ sung. Nhưng mà cứ cho bán T+ loạn xạ, đòn bẩy tài chính thì cao ngất như một số CTCK đang làm thì thị trường loạn quá".

Đối với các "cá mập" thuộc diện đặc biệt, một vài CTCK còn cho phép họ mua cổ phiếu trong hạn mức nhất định mà không cần có tiền trong tài khoản. Một số trường hợp NĐT được mua bán rồi thanh toán tiền chênh lệch với CTCK chứ không cần phải nộp đủ tiền mua như các NĐT khác. Ngoài việc được hỗ trợ tài chính ở mức rất lớn, các "cá mập" còn được hưởng các "đặc quyền" như có nhân viên môi giới, nhân viên nhận lệnh và 1-2 kế toán phục vụ riêng. Đối với nhiều cổ phiếu "hot", các "cá mập" này luôn được ưu tiên nhập lệnh đầu tiên (chủ yếu là sàn Hà Nội). Vì vậy, họ luôn mua được các cổ phiếu "hot" mà các khách hàng thường rất khó có thể mua.

Một trong các ưu đãi đặc biệt mà các "cá mập" được hưởng là bán T+1, T+2, T+3 (mua phiên trước, bán phiên sau; bán sau 2 phiên hoặc sau 3 phiên tính từ khi mua vào) trong khi các NĐT thông thường thì phải T+4 (phiên thứ 4 kể từ ngày mua) mới có thể bán được chứng khoán. Đây chính là lý do khiến cho "cá mập" có khả năng "rút nhanh" hơn các NĐT khác khi thị trường có thay đổi đột ngột. Ưu đãi này cực kỳ quan trọng trong bối cảnh chứng khoán lình xình bởi khi đó, thị trường chỉ tăng được 1 hoặc 2 phiên rồi lại giảm thì chỉ có các "cá mập" chứng khoán mới có cơ hội tận hưởng lợi thế tăng giá (nhờ được bán T+1 và T+2).       

Công nghệ "bắn tin" làm giá cổ phiếu

Quyền lực của các "cá mập" còn được khuếch đại và tăng cường thông qua hệ thống truyền tin bắt đầu từ các môi giới chứng khoán VIP (qua tin nhắn trên điện thoại di động, chat Yahoo, Google hoặc Skype).

Các thông tin làm giá của các "cá mập" ban đầu là thuộc diện rỉ tai nhau để cùng "đánh hội đồng". Nhưng thực tế, các thông tin này bị rò rỉ tới các NĐT khác từ các môi giới VIP, bản thân các môi giới này cũng đánh theo "cá mập" và cũng thắng lớn khi thị trường tăng điểm nên các tin tức rỉ tai này trở thành tin "hot" được săn lùng trên thị trường. Khi phát hiện ra điều này, chính các "cá mập" cùng với các môi giới VIP đã "bắt tay" để tạo ra một "công nghệ" bắn tin "làm giá" cổ phiếu, khiến cho việc làm giá diễn ra nhanh, mạnh hơn nhờ sự hưởng ứng của nhiều NĐT nhỏ khác.

Vào thời điểm khoảng tháng 8-9.2009, các môi giới VIP tại nhiều CTCK thường truyền tin nhau rất nhanh về một loại cổ phiếu nào đó sẽ “được” làm giá. Sau vài ngày kể từ khi tin được phát đi, giá của cổ phiếu bị đồn đại đó tăng rất mạnh và kèm theo đó là các thông tin tốt về các dự án mà công ty đó ký được hoặc đang triển khai. Có thời điểm những thông tin rỉ tai kiểu này "hot" tới mức không ít NĐT quan tâm đến nó nhiều hơn là các thông tin chính thức về tình hình sản xuất kinh doanh của chính công ty đó.

Khi được hỏi vì sao vẫn thích chơi cổ phiếu theo tin "làm giá" dù biết là rất rủi ro, một NĐT tên N.V.T tại Hà Nội cho biết, mua cổ phiếu theo tư vấn nghiêm chỉnh khác nào mua trái phiếu chính phủ; trong khi đó giá cổ phiếu khác cứ tăng ầm ầm. Chơi theo "cá mập" có nguy hiểm nhưng lãi to.

Bài 3: Bị "xẻ thịt"

posted Jun 2, 2010, 2:08 AM by anh nin   [ updated Jun 2, 2010, 2:31 AM ]

Nắm “quyền lực đen” khi chứng khoán tăng điểm, nhưng khi thị trường tụt dốc, “cá mập” cũng chính là đối tượng bị đưa ra “xẻ thịt” đầu tiên...



Thuốc độc

Ngày 23.10.2009 được coi là một cột mốc đáng nhớ nhất đối với không ít "cá mập" khi VN-Index tụt dốc rất mạnh. Nếu như trước đó, “đặc quyền” đòn bẩy tài chính lên tới 70-90% tạo ra các “siêu quyền lực” thì lúc này lại trở thành liều thuốc cực độc cho “cá mập”. Một đại gia chứng khoán tên H. (khách hàng VIP tại một công ty chứng khoán (CTCK) nổi tiếng về đòn bẩy tài chính tại Hà Nội) than thở: "10 ngày, mỗi ngày chị "bong" 1 tỉ, buốt hết cả ruột. Giờ sợ đòn bẩy chết khiếp". “Cá mập” này cho biết, lãnh đạo CTCK nơi chị mở tài khoản có tuyên bố trên báo, không ép nhà đầu tư bán chứng khoán khi thị trường tụt dốc. Nhưng thực tế là họ tự động bán sạch “hàng hóa” trong tài khoản của nhà đầu tư để xiết nợ khẩn cấp. "Cá mập" từ những "siêu thượng đế" trở thành những con mồi mà CTCK khẩn cấp “xẻ thịt” để tránh bị mất vốn cho vay.

Các nhà đầu tư bình thường lo sợ thị trường tụt dốc một thì đối với các "cá mập", nỗi lo này gấp 10 lần. Với những "cá mập" dùng đòn bẩy tới 80-90% (chỉ có 10-20% là tiền thật của nhà đầu tư) thì chỉ cần giá cổ phiếu giảm sàn 2 phiên đã bị CTCK "xẻ thịt" để xiết nợ. Trường hợp thị trường còn giảm tiếp nữa thì tất cả tiền của nhà đầu tư đều "bốc hơi". Cùng thời điểm này, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ra văn bản cảnh báo tới các CTCK về vấn đề không được bán trước T+4. “Đặc quyền” chạy trước của rất nhiều "cá mập" bị tước bỏ. Tại 2 CTCK được coi là ngôi sao đang lên trên thị trường môi giới, từ sau đợt tụt dốc của thị trường ngày 23.10, rất nhiều khách VIP tại đây "đổ máu đầy sàn" (tiết lộ của một "cá mập" chứng khoán thường ngồi ở CTCK T).

“Đội đại gia” tan vỡ

Ngoài việc chịu thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều các nhà đầu tư bình thường, những siêu liên kết của "cá mập" cũng tan vỡ khi thị trường tụt dốc. Phó tổng giám đốc một CTCK có trụ sở chính tại TP.HCM nói với PV Thanh Niên: "Khi thị trường lên thì các đại gia cùng đẩy giá, làm giá, rồi bắt tay nhau rất xôm tụ. Anh em vui vẻ đồng hướng, đồng lòng. Nhưng khi thị trường đảo chiều thì mạnh ông nào ông nấy chạy". Chuyên gia này tiết lộ: đã có không ít vụ đại gia chứng khoán đánh chửi nhau vì không giữ đúng cam kết khi thị trường giảm mạnh. "Những chuyện như thế này chẳng phải xảy ra lần đầu nhưng gần đây thì nó phổ biến hơn", ông này nói.

Trong số các vụ tan vỡ của các "đội đại gia" phải kể đến vụ làm giá KSH (Công ty khoáng sản Hà Nam). Theo tiết lộ của một "cá mập", "đội đại gia" dự kiến sẽ đẩy KSH lên 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng mới đến 82.000 đồng/cổ phiếu thì một “cá mập” lén xả hàng do dự báo thị trường có biến. Và quả nhiên, 2 hôm sau (ngày 23.10) thị trường tụt dốc thật và giá của KSH giờ chỉ còn khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu. Cho tới thời điểm hiện tại, một số "cá mập" bị CTCK xả hàng (do dùng đòn bẩy tài chính lớn) đành cam chịu một cục lỗ to đùng. Một số khác thì ngậm đắng nuốt cay, tiếp tục ôm một lượng lớn cổ phiếu mà một phần trong đó là của "đồng đội" đã bán lén...

Tương tự là vụ làm giá TDH (Công ty nhà Thủ Đức). "Đội đại gia" tại Hà Nội hò hét nhau, bắn tin loạn xạ là sẽ đẩy lên 150.000 đồng/cổ phiếu nhưng lên khoảng 110.000 đồng thì đã bị "lộn cổ". Thời điểm TDH "lộn cổ" cũng trùng với thời điểm 23.10 và "đội đại gia ngày trước vốn khăng khít để giữ giá, thì giờ mạnh ông nào ông ấy chạy", một môi giới chứng khoán VIP tiết lộ.

Nếu như trước đây, các tin tức về việc "làm giá" của các “cá mập” được coi là tin "hot", nhiều nhà đầu tư săn lùng trên thị trường thì nay các tin tức đó bị coi là lừa đảo để rình bán cổ phiếu. Hệ thống truyền tin "làm giá" qua tin nhắn, YM, google talk... bị tẩy chay. Các môi giới cho khách VIP tại các CTCK cũng không còn chơi theo "cá mập" nữa bởi chính họ cũng "tóe máu đầy sàn" (cách nói chỉ việc lỗ cực nặng do giá cổ phiếu giảm) khi đánh đu với "cá mập".

Niềm tin của các nhà đầu tư vào "quyền lực của các đại gia chứng khoán" đã bốc hơi chỉ sau hơn 1 tuần kể từ ngày 23.10. Lý do là trong vài phiên, không ít tin tức được bắn ra rằng thị trường sẽ đảo chiều do đại gia làm giá cổ phiếu này, cổ phiếu nọ. Nhưng đến cuối phiên, nhà đầu tư mới nhận ra đó là do giới “cá mập” tung ra tìm đường tháo chạy.

Giải thích về sự sụp đổ nhanh chóng của quyền lực làm giá do "cá mập" tạo ra, chị T. - một "cá mập" cỡ bự đất Hà thành - tiết lộ: "Trước đây, việc làm giá thành công là nhờ các đại gia nương theo thị trường và kích cho giá một số cổ phiếu tăng mạnh hơn chứ không phải là có thể thao túng tùy thích. Còn khi thị trường đã xấu như bây giờ thì đại gia hay "đại giời" cũng không cứu được giá cổ phiếu. Lúc đó thì chuồn lẹ là tốt nhất chứ chẳng có ai lo cho mình được đâu".


1-3 of 3