Home‎ > ‎Suy gẫm‎ > ‎

Nghĩ về một người Thầy

Guồng máy của cuộc sống làm cho mọi người trở nên bận rộn, hối hả và nó làm cho mọi người luôn thay đổi để thích nghi, tuy nhiên hình ảnh và ký ức lại là những điều bất biến trong mỗi chúng ta. Đối với tôi ký ức về người thầy dạy Sử lại đến với tôi khi cận kề đến ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt nam.

Hồi ức lại thời gian học tại ngôi trường cấp II Phan Sào Nam vào những thập niên 80. Nhớ lại thời điểm này, tôi là một trong những học trò thuộc loại "bất trị" nhất, "ba gai" nhất; sau này ngồi suy ngẫm lại có vẻ do ảnh hưởng của của các nhân vật của tiểu thuyết Kim Dung. Có lẻ do tôi quá tự tin về trí nhớ và cách tính toán nhanh của mình chăng?

Là người có sở trường về các môn khoa học tự nhiên và Ngoại ngữ và hoàn toàn "dị ứng" với các môn thuộc Khoa học Xã hội như Văn, Sử. Đối với tôi, cho đến lúc bấy giờ,  học hai môn này là cả cực hình vì không thấy được lợi ích và động lực học tập. Nhưng sau khi được học thầy vào năm lớp 8, tôi đã bắt đầu thay đổi quan điểm. Có thể do dấu ấn và những ký ức từ cấp II của Thầy đối với tôi đã góp phần trong việc thay đổi một phần khuynh hướng học tập của mình và đó cũng là điều làm cho tôi luôn nhớ về Thầy dù thời gian đã khá lâu lắm rồi...

Năm Thầy lần đầu dạy và là Chủ nhiệm lớp 8, điều đầu tiên đập vào mắt học trò là hình dáng, cử chỉ thanh tao, trang nhã, mới gặp đầu tiên là đã có sự tin cậy nơi học trò (Lúc đó, một học trò nhỏ như vậy không hiểu được vì sao có người khi mới gặp là đã thấy lòng tin ở họ. Sau này học về Quản trị tôi mới biết đó là do Nhân tướng). Không phải nhận xét của riêng cá nhân tôi mà  các bạn trong lớp cũ, ai cũng đều có chung nhận định này.

Thầy còn có lời nói, lý lẽ với học trò rất nhẹ nhàng, hòa nhã nhưng lại rất sắc bén và thâm thúy. Tôi nhớ  lại, là một học trò chuyên toán, tôi luôn tự hào về khả năng này và muốn mình là số một. Tuổi trẻ, háo thắng của tôi được thầy cảnh tỉnh không phải bằng môn Sử mà lại bằng môn Toán sở trường của mình??? Tôi bắt đầu thấm thía câu:"Hãy là người thứ hai, bạn sẽ vững bước trên đôi chân của mình". Và qua hơn 20 năm trải nghiệm tôi thấy lý luận này vẫn còn chính xác và cần thiết cho mọi người, nhất là cho giới trẻ.

Bên cạnh đó, ngoài bài giảng của mình, với tư cách là Chủ nhiệm, Thầy rất chú trọng giáo dục học trò về Lễ, Nhân cách, Ý thức lao động. Nhiều điều Thầy dạy phải đến sau nhiều năm sau tôi mới hiểu ra vấn đề và nhận thấy rằng chính những bài học nhỏ đã giúp cho các học trò sống nhân bản hơn, sống thiện hơn nhiều. Ngẫm đi nghĩ lại, tôi thấy một điều lạ là đôi lúc những giáo dục về nhân cách, về lối sống của thầy/ cô giáo đối với học trò lại hiệu quả hơn so với những lời nói của Bố Mẹ. Nhưng nay thì khoảng cách giữa thầy và trò có vẻ ....xa dần.

Điều quan trọng nhất, Thầy  đã dạy học bằng  chính cái Tâm của mình, bài học của thầy luôn được dễ hiểu và được chuẩn bị vô cùng chu đáo, chi tiết, luôn có những hình ảnh minh họa. Ngay cả những bài học khô khan về các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cũng đươc thầy minh họa cho bớt căng thẳng và làm cho bài giảng sinh động lên. Quả thật, chính các bài học Sử của Thầy đã lưu lại nơi tôi những ký ức rất sâu, nhất là khi dạy bài học về khả năng lãnh đạo của bác Hồ. Bài học về cuộc chiến Pháp Nhật và Việt nam, những bài học này sau khi được học lại ở các cấp sau cao hơn, thì những kiến thức sơ khởi nhưng vững chắc về Sử học Việt nam từ thời cấp II đã giúp tôi hoàn thiện kiến thức về Sử học Việt Nam rất nhiều. Thời điểm của một nền kinh tế bao cấp tôi lại thấy nền giáo dục thời đó khác hẳn với thời điểm nhiều lắm. Thời điểm đó, cũng đã manh nha tình trạng học thêm, dạy thêm nhưng không lộ rõ mặt kinh tế của vấn đề. Tôi nhớ lại,  thầy không bao giờ gợi ý học trò về việc học thêm mà tận tâm hướng dẫn cách học sao dễ nhớ bài nhất, chủ yếu là làm sao hiểu được cội nguồn của ngươi Việt Nam. Phải đến năm lớp 8 tôi mới trải nghiệm được là học Sử có cách học riêng không giống với các môn Khoa học Tự nhiên. Đúng là tuy chậm nhưng còn hơn không, vì dần dà, tôi bắt đầu thích nghiên cứu môn Sử  học. Những năm sau đó, điểm học môn Sử tôi lúc nào cũng thuộc hàng Top trong lớp.  Phương pháp luận, quả thật có tác động rất nhiều đối với học sinh. Nghĩ lại bây giờ, tôi thấy ngao ngán vô cùng.

Những năm sau này, khi học lên cấp III, Đại học, Cao học, học nước ngoài, tôi cũng không thể tìm được một người Thầy nào lại để lại ấn tượng sâu đến cho học trò như vậy. Học trò khi học với Thầy, không thành Danh cũng thành Nhân.

Đây cũng là người Thầy mà 20 năm nay, cứ mỗi năm nhóm lớp cấp II, trường PSN cũng đều hẹn nhau lên thăm Thầy.  Mới năm vừa rồi, có một bạn từ Mỹ về cũng cùng lớp ghé thăm nhà Thầy. Tôi cũng thường đi thăm Thầy hàng năm cùng với vợ con và luôn nhắc cho vợ và con về công lao của Thầy. Những lần ghé thăm thầy, Thầy cũng rất vui và phấn khởi khi hay tin các bạn trong lớp thành công trong công việc hoặc lập gia đình. Dù ở khá xa, Thầy cũng luôn tranh thủ dự tiệc để chúc mừng các bạn trong lớp. Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào về điều này.

Về cá nhân tôi, tôi cũng rất tri ân các Giáo viên, Giảng viên sau này, nhưng sau vài lần ghé thăm, tôi lại thấy yếu tố "Kinh tế" nhiều quá, trong khi yếu tố về quan hệ thầy-trò quá nhạt đến nỗi khi đi mình cũng e ngại đến việc đánh mất tính chất thiêng liêng của hai chữ "Ơn Thầy"

Vài năm gần đây, tôi bắt đầu thấy rằng Thầy đã yếu đi và già đi khá nhiều. Tôi cầu mong Thầy luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc và thầy cũng hiểu rằng nhóm học trò nhỏ bé ngày nào lúc nào cũng tri ân Thầy và luôn chúc phúc cho Thầy.


Bài viết xin tặng thầy Q,  người thầy để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó phai.


Comments